Theo truyền thống người Châu Âu, Giáng sinh là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và bày tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình. Giáng sinh là dịp lễ hội lớn và phổ biến nhất tại các nước Châu Âu. Diễn ra cùng thời điểm nhưng lễ hội này cũng mang những nét đặc trưng của từng quốc gia.
Noel năm 2022 đã cận kề, hãy cùng khamphachauau.com làm “tour” vòng quanh Châu Âu để xem các quốc gia của lục địa già đón Giáng Sinh như thế nào nhé!
Đức là quốc gia có những phong tục Giáng sinh vô cùng ấn tượng và có ảnh hưởng to lớn đến cách tổ chức Giáng sinh tại các nước phương Tây.
Tại Đức, cả ngày 25/12 và 26/12 đều là những ngày nghỉ lễ hợp pháp và thường được gọi là ngày Giáng sinh lần thứ nhất và thứ hai. Các gia đình trong cả nước sẽ chuẩn bị cho ngày lễ này bằng cách trang trí vòng hoa Advent (Adventskranz) với bốn ngọn nến, một trong số đó được thắp sáng vào mỗi bốn ngày Chủ Nhật trước Giáng sinh.
Tiếp đến, trong ngày 25/12, thành viên trong các gia đình và bạn bè sẽ đến nhà nhau để thăm hỏi và cùng nhau thưởng thức bữa ăn tối. Các món ăn Giáng sinh phổ biến tại Đức gồm có ngỗng nướng, vịt hoặc thỏ với khoai tây, bánh bao khoai tây hoặc mì Spätzle, cải bắp đỏ,... Đến ngày 26/12, gia đình và bạn bè sẽ tận hưởng ngày lễ Giáng sinh bằng cách thưởng thức các bộ phim Giáng sinh kinh điển.
Vào ngày lễ Giáng sinh, tất cả những người dân Anh sẽ cùng dành phần lớn thời gian của mình để sum họp với gia đình. Khác với cách đón Giáng sinh ở các nước châu Âu, ngày lễ Giáng sinh ở Anh được tổ chức trong vòng 3 ngày là Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12), Boxing Day (26/12).
Trong đó ngày lễ chính là ngày Christmas Day, vào ngày này, những người thân trong gia đình sẽ gặp gỡ, tặng quà, có bữa ăn chính và sẽ gửi cho nhau những tấm thiệp đầy lời chúc.
Trái ngược với không khí đường phố nhộn nhịp ở Pháp hay Đức, khung cảnh đường phố ở Anh khá vắng lặng. Vào chiều ngày 24, các cửa hàng, các siêu thị,... đều đóng cửa để dành thời gian cho gia đình.
Bữa tối 24/12 của người Italy thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''.
Các món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.
Khác với cách đón Giáng sinh ở các nước châu Âu, người Thụy Sĩ coi ông già Noel của họ là Samichlaus chứ không phải là Santa Claus. Và đặc biệt, ông già Noel ở Thụy Sĩ đón rất sớm vào ngày Thánh Nicolas là ngày 6/12. Và thay vì mang theo những món quà Giáng sinh thì ông già Noel sẽ lấp đầy túi quà của mình bằng các loại hạt, quýt, bánh quy và socola để phân phát cho những đứa trẻ.
Cách đón Giáng sinh của người Thụy Sĩ khá đặc biệt đó là người dân ở đây sẽ nướng các loại bánh như: Zimtsterne, Chräbbeli, Mailänderli và Brunsli. Chỉ cần ngửi được mùi vị của những món bánh này tức là không khí Noel đang về trên đất nước Thụy Sĩ.
Từ ngày 6/12, ông già Noel của Áo đã đi phát kẹo, hạt dẻ và táo cho trẻ em. Còn đến ngày 24/12, một nhân vật tí hon có cánh tên là Kristkindl mang quà và cây thông Noel tới. Bọn trẻ sẽ chờ đợi tới khi nào nghe tiếng chuông leng keng mới được mở cửa bước vào phòng, nơi có cây thông Noel được trang trí những ngọn nến và kẹo mứt đang chờ đón.
Người Ireland thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ trong ngày lễ Noel. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm.
Một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ireland, các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen.
Là một đất nước theo Thiên chúa giáo, người Ba Lan luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời ngày Giáng sinh. Ai nhìn thấy nó đầu tiên có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây.
Gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn trên bàn. Chủ nhà sẽ bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa ra đời chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn.
Giáng sinh ở Nga được tổ chức rộng rãi nhất vào ngày 7/1 bởi vì Giáo hội Chính thống Nga tuân theo lịch Julian, chậm hơn 13 ngày so với lịch thông thường.
Trong ngày 7/1 - ngày đầu tiên kỳ lễ Giáng sinh, mọi người sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, cũng như chuẩn bị một bàn ăn cho đêm Giáng sinh với 12 món, trong đó nhất định không thể thiếu các món Pagach (chiếc bánh mì cỡ lớn) và Kutya (món tráng miệng làm từ ngũ cốc, nho khô, mật ong và hạt anh túc), món cháo đặc nấu từ lúa mì và nho khô hoặc đại mạch.
Đáng chú ý, khác với ông già Noel tại các quốc gia khác được biết đến với bộ trang phục màu đỏ rực rỡ, ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh ở Nga lại khoác lại mình một chiếc áo choàng màu xanh lộng lẫy và thường đi chung với một cháu gái của mình là Công chúa Tuyết. Cả hai sẽ cùng nhau dạo quanh phố phường để trao quà cho trẻ em.
Người dân ở đất nước Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel đến. Trong đêm Noel, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối với các món ăn truyền thống gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính.
Vào dịp này, hầu hết mọi người đều đến nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ những người đã khuất.