Năm mới 2023 sắp đến, mỗi quốc gia trên thế giới đều có những phong tục đón tết riêng để cầu chúc may mắn, sức khỏe, tiền tài trong những ngày đầu năm mới. Hãy cùng nhau tìm hiểu những phong tục đón năm mới độc đáo và thú vị ở một số nước Châu Âu.
Đến Italy vào thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ, du khách nên thận trọng khi đi qua những ô cửa sổ. Người dân tại đây từ lâu vẫn gìn giữ phong tục độc đáo - ném đồ qua cửa sổ để đón năm mới. Người Italy sẽ ném hết những món đồ cũ ra ngoài để "tống tiễn" điều không vui, xui xẻo của năm trước. Họ cũng tin rằng, khi món đồ cũ được ném đi, tức là vào năm mới gia đình sẽ có những món đồ mới.
Ngoài phong tục vứt bỏ đồ cũ, người Italy vẫn lưu truyền phong tục khác cũng thú vị không kém. Đó là vào ngày đầu tiên của năm mới, người dân và du khách sẽ tụ tập ở cây cầu Cavor nhảy xuống sông Tiber, dưới tiết trời lạnh buốt gần chạm ngưỡng 0 độ C. Tập tục này có từ năm 1946 và được tin rằng những ai đủ dũng cảm nhảy xuống sẽ gặp nhiều may mắn và thành công trong năm mới.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Scotland rất coi trọng việc ai là người đầu tiên bước chân vào nhà bạn (xông nhà). Người đầu tiên bước vào cửa sẽ tặng chủ nhà món quà tặng có ý nghĩa tượng trưng cho một lời chúc mừng năm mới. Những món quà thường được lựa chọn có thể là một đồng xu (tượng trưng cho sự giàu có), than đá (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mỳ (tượng trưng cho sự no đủ) hoặc rượu whisky (tượng trưng cho sự vui vẻ).
Sau khi vào nhà, họ sẽ ném than vào lò sưởi, đặt bánh mỳ trên bàn, rót rượu mời chủ nhà và gửi lời chúc mừng năm mới tới các thành viên trong gia đình. Người xông đất sẽ vào nhà bằng cửa trước rồi ra khỏi nhà bằng cửa sau. Và đặc biệt hơn, nếu như trong ngày đầu năm bạn được một người đàn ông tóc đen cao lớn (tượng trưng cho người Viking cổ) xông nhà thì đó là một điều cực kỳ may mắn.
Người Đức đón mừng năm mới từ chiều 31/12 của năm trước, mọi người tụ tập ăn uống và vui chơi đến giao thừa. Trước giao thừa 15 phút, mọi người ngồi yên trên ghế, đến khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy ra khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt rủi ro, khó khăn ở năm cũ, bước qua năm mới.
Người Đức có thói quen nấu chì trong nước và dự đoán tương lai qua hình dạng miếng chì. Họ sử dụng ngọn lửa từ ngọn nến, mỗi người nung chảy một mẩu nhỏ chì hoặc thiếc và đổ vào một thùng nước lạnh. Hình dạng mà viên chì hoặc thiếc tạo thành được cho là tiết lộ số phận của một người trong năm tới. Nếu hình miếng chì có dạng trái tim là trong năm sẽ có đám cưới, hình chiếc thuyền có nghĩa là chuyến du lịch….
Người Tây Ban Nha tin rằng, nếu ăn 12 trái nho vào đêm Giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ mang lại may mắn. Khi 12 tiếng chuông bắt đầu điểm vào đúng 12h đêm sẽ bắt đầu ăn từng trái nho một khi mỗi tiếng chuông điểm.
Trong phong tục này sẽ có 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm tới, thể hiện mong ước một năm mới ngọt ngào và suôn sẻ. Và nho phải là nho có hạt, nếu là nho không hạt thì quá dễ dàng và xem như gian lận.
Đúng 00:00 khi tiếng chuông chào mừng năm mới vang lên mọi người cùng bật sampanh, và chúc mừng nhau. Người Nga tin rằng nếu ước nguyện vào thời điểm này thì mong ước của bạn sẽ thành thực hiện. Nhiều người ghi mong ước của mình ra giấy, đốt nó và hòa vào uống cùng rượu sampanh. Họ tin rằng cách này sẽ khiến những ước nguyện của bạn nhanh chóng thành hiện thực.
Ở một số vùng của Nga, người ta rất coi trọng việc thực hiện điều ước năm mới. Vào lúc nửa đêm, họ viết ra một điều ước trên một mảnh giấy. Sau đó, họ đốt lửa và thả tro vào rượu sâm panh, thứ mà họ phải uống trước 0h01' để điều ước thành hiện thực.
Vào thời khắc năm mới, người Thổ Nhĩ Kỳ thường ăn một quả lựu. Họ làm vậy bởi tin rằng lựu tượng trưng cho sự may mắn, sẽ mang lại sự thịnh vượng và giàu có. Màu đỏ của chúng tượng trưng cho trái tim con người, sự sống, khả năng sinh sản. Dược tính của chúng đại diện cho sức khỏe. Những hạt tròn đều của chúng biểu thị sự thịnh vượng. Những điều này trùng khớp với những gì mọi người hy vọng trong dịp đầu năm mới.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, bạn được coi là điều may mắn nếu rắc muối trước cửa nhà ngay khi đồng hồ điểm nửa đêm vào ngày đầu Năm mới, truyền thống này được cho là sẽ thúc đẩy cả hòa bình và thịnh vượng trong suốt năm mới.
Điều thú vị trong phong tục người dân Đan Mạch vào giao thừa là ném bỏ những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè của mình. Nhiều người tin rằng đây là cách giúp xua đuổi vận đen.
Vì vậy, nếu thức dậy vào ngày đầu Năm Mới với một đống sành sứ bị đập vỡ trước cửa nhà - đó là một điềm tốt, mọi người tự hào về số lượng bát đĩa bị hỏng ngoài cửa nhà của họ vào cuối đêm giao thừa. Có càng nhiều đĩa vỡ thì gia chủ càng có nhiều vận may trong năm mới.
Nhiều người Đan Mạch đón năm mới bằng cách vào nửa đêm, họ sẽ đứng lên ghế, sau đó nhảy xuống. Đây được xem là hành động xua đuổi tà ma và mang lại may mắn.
Người Czech thích xem tương lai của họ trong năm mới, thường là với sự trợ giúp của một quả táo. Họ tin rằng, nếu lõi quả táo có hình ngôi sao thì năm đó những người có mặt sẽ có sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn. Còn nếu quả táo có hình cây thánh giá đan chéo, e rằng năm đó sẽ có người không được khỏe mạnh.
Theo người Hungary thì giao thừa được gọi là “Silvester”. Cũng như các quốc gia khác thì Hungary cũng có rất nhiều phong tục thú vị trong ngày Tết như làm ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ, tuyệt đối không giặt quần áo vào ngày đầu năm mới nếu không muốn năm tới xui xẻo.
Những quan niệm về Tết của người Hungary có nhiều điểm tương đồng với người Châu Á như nếu vị khách đầu tiên xông nhà vào năm mới là nam giới, điều đó được xem là điều may mắn của gia đình trong cả năm đó. Ngược lại, nếu người đó là phụ nữ thì lại không may cho lắm. Rửa mặt bằng nước lạnh với trái táo được cắt đôi sẽ giúp bạn có sức khỏe dồi dào hơn.
Truyền thống lâu đời ở Phần Lan là dự đoán năm mới của một người bằng cách thả những hộp lon đã được nung chảy vào một thùng nước, sau đó xem hình dáng của nó khi cứng lại.Nếu trông giống một trái tim hơn, thì chủ nhân sẽ rất hạnh phúc trong năm tới. Nếu kim loại có hình dạng giống con lợn - một năm sắp tới sẽ có đầy đủ thức ăn và dư dả.
Người Hy Lạp tin rằng hành tây là biểu tượng của sự tái sinh, vì vậy họ treo loại rau có mùi hăng hắc trên cửa nhà để thúc đẩy sự phát triển trong suốt năm mới.
Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, quả lựu tượng trưng cho khả năng sinh sản, cuộc sống và sự dồi dào, và vì vậy loại quả này đã được gắn liền với sự may mắn ở Hy Lạp hiện đại. Ngay sau giao thừa, người Hy Lạp có phong tục đập một quả lựu trước cửa nhà và người ta nói rằng số lượng hạt lựu rơi ra tương quan trực tiếp với số lượng may mắn sắp đến.
Ở Bungari, sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong chiếc bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới.
Ngoài ra, thú vị hơn là phong tục hắt xì hơi của người Bulgari. Kkhi dùng tiệc đầu năm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.